Xây đô thị khủng tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An… để bán nhưng thiếu tiện ích, hạ tầng chưa đồng bộ có thể gây “tai họa” cho thị trường.
Qua các cuộc thăm dò mini của HoREA khi xảy ra tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến các dự án vùng ven Sài Gòn cho thấy, có khoảng 10% nhu cầu ở thật, còn lại là đầu tư. Với đại đa số người mua chỉ để đầu tư, đây là nguy cơ vỡ trận vì có thể tạo ra các dự án bị bỏ hoang. “Các đô thị lớn không có người ở, nếu chỉ bán bằng mọi giá để tìm kiếm lợi nhuận sẽ là tai họa cho thị trường. Điều cần quan tâm nhất hiện nay là làm sao lôi kéo được cư dân về ở và việc này đòi hỏi các chủ đầu tư phải có gói giải pháp đồng bộ”, ông Châu nói.
Chủ tịch HoREA chỉ ra một trong những giải pháp thu hút người ở thật về các đô thị vệ tinh cũng bắt đầu được các chủ đầu tư chú ý đến. Đó là xây dựng nhiều tiện ích, dịch vụ cho dự án, đồng thời hạn chế số lượng sản phẩm bán ra cho cùng một người. Thị trường xuất hiện tình huống một số chủ đầu tư có quy định một khách hàng chỉ được mua tối đa 2 sản phẩm chứ không cho phép mua số lượng lớn để chờ tăng giá bán kiếm lời.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa – Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển TP HCM xác nhận, làn sóng nhiều tập đoàn bất động sản hướng về vùng vệ tinh của Sài Gòn như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, thậm chí xa hơn như Bình Phước… để phát triển các dự án cực lớn, quy mô khu đô thị. Sự dịch chuyển này là tất yếu khi các nhà đầu tư lớn không tìm thấy quỹ đất sạch cỡ vài chục hecta giữa lòng Sài Gòn và đô thị trung tâm cũng đang “chật chội” dần khi mật độ dân cư quá cao. Điều này lý giải vì sao TP HCM vẫn hấp dẫn nhưng đã xuất hiện lực đẩy, thúc đẩy dòng vốn đầu tư ra xa vùng trung tâm.
Tuy nhiên, ông Hòa cũng phân tích thêm, người dân mua nhà đất tại các tỉnh vùng ven không chỉ cần nhà ở mà còn cần tiện ích, hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội như điện, đường, trường, trạm (bệnh viện), trung tâm mua sắm, chợ, thậm chí là chùa chiền, nhà thờ… Do đó, chủ đầu tư phải nhận ra rằng họ không chỉ bán căn nhà đẹp hay căn biệt thự có nhiều mảng xanh, sông nước bao quanh mà còn phải “thổi hồn sống” vào khu đô thị, tức là cung cấp các dịch vụ, tiện ích đi kèm phục vụ các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.
Nếu sống ở một khu đô thị tỉnh giáp ranh Sài Gòn nhưng vẫn phải vào trung tâm TP HCM cho con đi học, khám chữa bệnh, sử dụng các tiện ích thì sẽ không lâu, người dân cũng chán mà rời đi. “Phát triển các khu đô thị ở vùng vệ tinh nếu không cẩn thận sẽ tạo ra thành phố ‘ngày sống đêm chết’ hoặc chỉ hoạt động vào cuối tuần, sau đó như đô thị ma”, ông Hòa cảnh báo.
Tại buổi tọa đàm, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam nhận xét, thị trường bất động sản TP HCM đang có xu hướng dịch chuyển nguồn cung các dự án nhà ở về các khu vực xa trung tâm hơn trong bối cảnh kết nối giao thông từ Sài Gòn đến các vùng phụ cận tốt hơn.
Thậm chí, tại các tỉnh vùng ven nhiều chủ đầu tư có xu hướng phát triển dự án quy mô khủng, sản phẩm ngày càng hoành tráng hơn. Rổ hàng phổ biến là nhà phố vườn, biệt thự vườn với thiết kế đẹp, cảnh quan hoàn hảo, không gian sống trong lành, xanh mát hơn Sài Gòn. Sự thay đổi xu hướng đầu tư không chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 hoặc chỉ bị tác động một phần vì đây là làn sóng đầu tư dài hạn đã có từ trước khi dịch bệnh bùng phát.
Một mặt đánh giá các dự án này đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ TP HCM giãn dân trong bối cảnh quá tải hạ tầng nội đô, ông Kiệt cũng cảnh báo về thực trạng 90% khách mua nhà đất vùng ven để đầu tư và đến từ Sài Gòn hoặc Hà Nội. “Điều này có thể tạo ra rào cản trong việc lôi kéo các cư dân thành thị về tỉnh vùng ven ở, khó lấp đầy các dự án ở vùng ven, hình thành nên các đô thị hoang không người ở, gây lãng phí nguồn lực xã hội một cách đáng tiếc”, ông Kiệt nói.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia kêu gọi những ông lớn bất động sản đang dịch chuyển nguồn cung về các tỉnh vùng ven chú trọng đầu tư bài bản ngay từ đầu. Cụ thể, doanh nghiệp nên đẩy mạnh xây dựng, phát triển tiện ích và hạ tầng trước, không bán hàng bằng mọi giá để thu lợi nhuận. Song song đó, doanh nghiệp chú trọng nhiều hơn đến giải pháp hình thành cộng đồng, lôi kéo người dân xê dịch ra vùng ven sinh sống nhằm tránh lặp lại vết xe đổ của những đô thị bỏ hoang tại Bình Dương, Đồng Nai trước đây.